Chạy từ Châu Đốc, núi Sam, thậm chí xuống tới Trà Sư, vẫn chưa ai biết Đồi/ Hồ Tà Pạ ở đâu. Theo lời hướng dẫn của chú Thắng qua điện thoại, chị em tui cứ thẳng một đường tỉnh lộ mà tiến. Đến Tri Tôn thì may mắn bà con biết địa danh này. Nhưng cái lạ là ai cũng ngần ngừ khi phải chỉ đường cho chúng tui. "Đường đi khó lắm, 2 đứa đi không được đâu." Vài lần đầu, tụi tui không để ý. Nhưng đến người thứ 5, thứ 10 cản thì chị em cũng có phần chột dạ. Đặc biệt, là khi vào đến sóc người Chăm, có những mợ những dì không nói rành tiếng Kinh, nhưng khi nghe tụi tui hỏi đến Hồ Tà Pạ vẫn ráng hét lên "Đừng NHẢY xuống! Nguy hiểm lắm! Chết đó!" - "Ơ, sao dì lại khuyên mình đừng nhảy nhỉ?" 2 chị em ngơ ngác nhìn nhau.
Một mẹo nhỏ để hỏi đường trong sóc người Chăm, đó là bạn nên tìm những em học sinh cấp II - III. Các em vừa rành khu vực, vừa được học tiếng Kinh ở trường, nên dễ dàng nói chuyện với bạn hơn. Quay lại với Tà Pạ, điểm chung mà mọi người nói đến là "tìm cái cây Năm Vồ to chà bá", các dì còn hay ôm cánh tay thành vòng tròn để diễn tả. Đến nơi thì chúng tui mới vỡ lẽ vì sao các dì làm thế.
Chung quanh cây Năm Vồ này là một bậc đá để mọi người ngồi nghỉ mệt. Nếu bạn đi từ phía Tri Tôn lại sóc người Chăm, thì cây ở bên tay phải. Và bên tay trái là con đường lên chùa Chun Num (bảng tên chùa ghi bằng tiếng Chăm, nên bạn nhìn theo hình sẽ dễ hơn là tìm chữ).
Hình này ko thể hiện rõ, nhưng chùa nằm trên đồi, đường lên chùa là một con dốc lát đá (hơi khó chạy xe một tí) và bên phải là... một khu nghĩa địa thoai thoải trên sườn đồi. Nghĩ lại lời cảnh báo của bà con nãy giờ, chị em tui hơi rùng mình.
Qua cổng chùa, bạn sẽ đến một ngã ba, nơi được án ngữ bởi một bức tượng thần theo văn hóa người Chăm.
Tượng có răng nanh, nhìn khá căng thẳng, nhưng cứ đi theo ngón tay tượng chỉ, thì bạn sẽ đến được... bức tượng tiếp theo. Lần này, nếu tiếp tục đi theo ngón tay tượng thứ hai thì bạn sẽ lên đến chùa Chun Num (cũng nên ghé thăm chùa khi đã đến đây, chùa có rất nhiều bức tượng... kinh dị như 2 bức tượng chỉ đường vừa rồi; nhưng gộp chung lại thì bạn có thể tưởng tượng ra được một câu chuyện truyền thuyết kinh điển về nàng công chúa bị đại bàng bắt đi và chàng hoàng tử đến cứu). Nói chung là, miễn các bạn đừng đi vào cái thời điểm nhập nhoạng, ngày giao đêm, như chị em chúng tui, thì cảnh chùa cũng sẽ rất thú vị, chứ không đến nỗi rùng rợn lắm đâu.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn đến Hồ Tà Pạ trên Đồi Tà Pạ, thì thay vì tiếp tục đi theo ngón tay tượng chỉ và con đường lát đá, hãy đi vào con đường mòn phía bên hông tượng (con đường mà tui đang chụp thẳng vào đây). Đường khá gồ ghề, lái xe máy vẫn được, nhưng lần đầu tiên thì chị em tui gởi xe ở chùa, đi bộ lên, lần thứ hai mới dám chạy xe máy. Đến ngã ba đầu tiên (chỗ trạm phát thanh) rẽ trái. Đi vài phút, nhìn bên tay phải, sẽ thấy một nơi như là một mỏ đá bỏ hoang. Chần dần chính giữa là một tấm bảng sắt cũ kỹ đầy đe dọa.
Hài một nỗi là tui đọc sai câu cảnh báo. Quay qua con em, tui ngơ ngác "Ơ, sao người ta lại ghi là... 'Khu Vực Ai Vào Hết Cười' em nhỉ?" thì con bé nó cười ngặt nghẽo, cười không gượng dậy được, cười không có điểm dừng "Chị ơi! Người ta ghi là 'Khu Vực Cấm Vào Chết Người' mà!" =)) Đến lúc này thì tui cũng phì cười vì cái sự ngớ ngẩn của mình. Cười xong cho đã thì 2 chị em đâm lo. Ơ, thế này rồi đi đâu tiếp. Chả nhẽ đến đây là hết? Thật tình là trên đường đi xa tít mù, tui đã thầm lo lắng Tà Pạ không đẹp như lời đồn. Thường cái gì mình hy vọng càng nhiều, thì mình lại càng sợ thất vọng nhiều hơn. Tìm trên mạng thì không có quá nhiều hình của Tà Pạ, nhưng hình nào cũng đẹp ngất ngây con gà Tây. Lý nào giờ chỉ còn trơ trọi một khu khai thác đá khô cằn như thế này.
Ngay lúc tui đang não nề muốn bỏ cuộc, thì bé Mơ tiếp tục đi vòng quanh những khối đá và bất chợt hét lên "CHỊ ƠI!" Vội bước theo em, tui ngỡ ngàng: hiện ra trước mắt mình là bức tranh phong thủy thật đẹp, thậm chí còn đẹp hơn trên mạng.
Cảnh thật đẹp hơn hình ở chỗ: hình xem trên máy vi tính dù bạn có calibrate màn hình chuẩn cỡ nào cũng không như màu thật được. Trước khi đi, tui đã mò mẫm nhiều hình Tà Pạ, có tấm thấy nước màu xanh lá mạ, tấm xanh ngọc bích. Đến nơi mới phát hiện ra, tất cả những tấm hình kia đều đúng cả. Mặt hồ chỗ đậm, chỗ nhạt, trong veo như gương, có chỗ trông được đáy, thấy hoa cỏ dập dìu, có chỗ sâu hun hút, dựa theo bảng cảnh báo thì những 17 thước.
Chưa kể đang mùa nước xuống, nên bạn cũng có thể thấy hằn trên vách đá xám vôi là vết mùa nước lên một vạch rõ cam.
Và những dĩ nhiên Cô záo tui phải tranh thủ... dẹo một pô hình :D
Nhưng khi vừa tiến đến gần vách đá, một anh người địa phương liền gọi giật tui vào "Em ơi! Nguy hiểm lắm! Đi vào đi!" "Ủa? Sao vậy anh?" "Em chưa nghe chiện hả? Mới hồi học kỳ I, có 2 chị em trong sóc rủ nhau lên đây chơi. Con em vừa nhảy xuống tắm đã chới với, con chị nhảy xuống cứu em cũng chìm luôn. Bây giờ chưa đến giỗ đầu tụi của nó nữa, em đến gần coi chừng bị 2 đứa nó... kéo xuống đó." Đến đoạn này thì tụi tui mới vỡ lẽ ra vì sao bà con lại hoảng hốt đến như vậy khi tụi tui hỏi về Tà Pạ. Nghe anh ấy kể thêm, 2 bé gái chị em ấy không phải là nạn nhân đầu tiên của cái hồ trên núi này. Phải chăng vì thế mà Tà Pạ đẹp thật buồn?
Vào thời điểm chị em tui ghé, Tà Pạ rất vắng. Ngồi ở đấy trên dưới 3 tiếng đồng hồ, mà chúng tui chỉ gặp anh bản địa ấy, 2 bạn phượt thủ từ Quảng Bình vào, 1 cặp nam nữ đến chụp hình, và lác đác vài bạn sinh viên đến thu gom rác quanh quẩn. Đến cuối ngày, chị em tui là người duy nhất còn nán lại, tiếc nuối ánh hoàng hôn trong buổi chiều ảm đạm. Từ xa xa tiếng đài phát thanh, phát những bài hát thời thanh niên xung phong, thỉnh thoảng còn có bản tin tiếng Chăm.
Tà Pạ đẹp buồn đến nao lòng. Nhưng chắc chắn lần sau trở lại với An Giang, tui sẽ lại đến nơi này. Vừa để ngắm cảnh hồ, vừa để phóng tầm mắt ra xa trên những cánh đồng thẳng tắp với những cây thốt nốt - đặc trưng của miền biên giới Campuchia.
Hè 2015.